Hậu Giang hướng đến đô thị văn minh, hiện đại
Với các lợi thế về: vị trí – tiếp giáp với Thành phố (TP) Cần Thơ và sông Hậu; hạ tầng – có nhiều tuyến quốc lộ đi ngang qua; còn nhiều dư địa để phát triển; đã hình thành những nền tảng cơ bản phát triển công nghiệp; đặc biệt trong 5 năm gần đây, tỉnh liên tục có những thành tựu đột phá về kinh tế – xã hội… đã giúp đô thị Hậu Giang ngày càng “vươn mình”, phát triển mạnh mẽ theo hướng đô thị thông minh, bền vững.
Con đường chạm đến nền “văn minh đô thị” trong định hướng phát triển tỉnh Hậu Giang
Trong Nghị Quyết 04-NQ/TU ngày 26/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025, phát triển đô thị theo hướng “văn minh đô thị” chính là một trong 4 trụ cột nền tảng phát triển Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo. Phương án phát triển đô thị được Hậu Giang đề ra: “Tỉnh phát triển đô thị phải đạt mục tiêu kép: mở rộng khu vực đô thị, tạo cảnh quan đô thị đẹp, văn minh và gia tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp nông thôn, đầu tư phát triển du lịch. Phấn đấu tăng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Hậu Giang đến năm 2025 tối thiểu 32%. Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm. Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến đường giao thông trọng yếu tại các đô thị, khu vực có lợi thế về thu hút đầu tư để khai thác quỹ đất (hai bên đường) có hiệu quả, nhằm tái tạo nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng các đô thị, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh…”
Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa trên 32% và đến năm 2030 đạt tối thiếu 35%. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Để đạt mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra nhiều kế hoạch phát triển, cụ thể: Chương trình phát triển đô thị và Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2020-2025, hàng năm có tính toán về đô thị hóa, tổ chức chỉ đạo xây dựng kế hoạch nâng loại đô thị, cụ thể là công nhận đô thị loại 5 và nâng đô thị loại 5 lên đô thị loại 4. Đồng thời, chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Nội vụ lập đề án để công nhận 3 đô thị lên thị trấn”.
Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng đã có những chính sách như “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “2 nhanh, 3 tốt”… nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Tỉnh còn thường xuyên tổ chức các hội nghị để thu hút đầu tư từ trong đến ngoài nước, thành công vang dội chính là “Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022. Tại Hội nghị, tỉnh đã thành công kêu gọi đầu tư vào 31 dự án ở lĩnh vực đô thị với tổng số vốn đầu tư 13.088 tỷ đồng.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo động lực cho nền đô thị Hậu Giang phát triển
Hậu Giang đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông. Hiện, Hậu Giang đã có 6 tuyến quốc lộ, đáp ứng nhu cầu giao thương và kết nối với các tỉnh thành khác. Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các tuyến đường nội địa: đường ĐT927C nối quốc lộ 1 với Nam Sông Hậu, tuyến Bốn Tổng – Một Ngàn tạo thành hệ giao thông liên tỉnh từ huyện Tân Hiệp – Kiên Giang đi TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, rút ngắn khoảng cách đáng kể so với đi trên các tuyến quốc lộ như hiện nay… Đặc biệt, Hậu Giang sẽ tập trung hoàn thành các dự án ĐT926B kết nối với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng, ĐT925B kết nối TP. Vị Thanh với TP. Cần Thơ và kết nối vào nút giao cao tốc Cần Thơ – Cà Mau với Châu Đốc – Sóc Trăng; ĐT931 để kết nối với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu… tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Sắp tới đây, tỉnh còn được hưởng lợi từ các tuyến giao thông khơi thông mạch máu kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): tuyến Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau (thuộc trục cao tốc Bắc Nam), tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ (ước tính tuyến đường có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Cần Thơ chỉ còn 45 phút)… Các tuyến đường cao tốc này khi đi ngang tỉnh sẽ giúp tái cấu trúc hệ thống đô thị, phân bổ lại dân cư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, sau khi các tuyến đường cao tốc hoàn thành, tỉnh Hậu Giang cũng được kỳ về sự phát triển “bứt phá” của nền đô thị, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của tỉnh.
Ngoài ra, tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề cập đến việc đưa Hậu Giang cùng Cần Thơ trở thành trung tâm logistics trong vùng ĐBSCL. Và theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hậu Giang sẽ thành lập mới 4 khu công nghiệp khi đủ điều kiện. Thu hút mới và mở rộng 28 dự án tại các khu công nghiệp, phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng từ 8-10%. Trong năm nay khi được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất sẽ tham mưu lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp mới. Thu hút mới và mở rộng 5 dự án vào khu công nghiệp hiện hữu. Việc thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy đô thị phát triển. Trước và sau khi các kế hoạch phát triển công nghiệp được triển khai, đều thu hút được một lượng lớn cộng đồng chuyên gia, doanh nhân, lao động tay nghề cao… về an cư lạc nghiệp.
Có thể thấy, đô thị Hậu Giang hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể phát triển về chất lượng lẫn số lượng, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn để an cư và thu hút đầu tư trong thời gian tới.
BĐS CẦN THƠ - ĐẤT XANH MIỀN TÂY
29C Mậu Thân, P. An Hòa, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Hotline: 0796 999 889 | Email: [email protected]
Website: canthoreal.vn